Học thuyết về tiền lệ Tiền_lệ_pháp

Dựa trên nguyên tắc bất thành văn Stare decisis – "Tiền lệ phải được tôn trọng" (ra đời vào thế kỷ 12 và chính thức bắt buộc vào thế kỷ 17), các nước theo hệ thống Thông luật đã cụ thể hoá thành những quy định trong việc xây dựng tiền lệ pháp và được hệ thống lại thành học thuyết về tiền lệ (The Doctrine of Precedent) với những nguyên tắc sau:[23][30]

Nguyên tắc tôn trọng quyết định của tòa cấp trên

Mỗi tòa án bị buộc phải tuân thủ theo các quyết định của tòa cấp cao hơn trong cùng hệ thống hoặc của chính tòa đã tạo ra tiền lệ.

Ví dụ: Ở nước Anh, Tòa sơ cấp – Tòa án địa phương (county court) phải tuân theo án lệ của Tòa cấp cao, Tòa hoàng gia, Tòa phúc thẩm và Tòa tối thượng (Thượng Nghị viện).Ở các nhà nước liên bang như Mỹ, Úc, các tòa cấp dưới của các tiểu bang khi xét xử chỉ buộc phải tuân theo những phán quyết đối với những bản án của những vụ án tương tự của các tòa cấp trên thuộc tiểu bang mình.

Nguyên tắc không buộc phải tuân theo án lệ của hệ thống tòa án khác

Những quyết định của tòa án thuộc hệ thống tòa án khác chỉ có giá trị tham khảo chứ không có tính bắt buộc. Tuy nhiên, đối với quyết định của tòa án cấp cao hơn của hệ thống tòa án khác sẽ có giá trị thuyết phục hơn trong việc tham khảo để tòa án quyết định bản án.

Ví dụ: Trong liên hiệp Vương quốc Anh phán quyết của các tòa Scotland, Bắc Ailen và của Tòa án nước ngoài thuộc hệ thống thông luật cũng không thể trở thành tiền lệ đối với tòa án nước Anh, mặc dù trong một số trường hợp các phán quyết đó có thể có một giá trị tham khảo nhất định.Ở Úc, theo học thuyết tiền lệ thì Tòa án Sơ thẩm thuộc tiểu bang New South Wales sẽ buộc phải tuân theo những phán quyết trước đây của Tòa án Phúc thẩm thuộc tiểu bang New South Wales nhưng nó không buộc phải tuân theo những quyết định của Tòa án Tối cao thuộc tiểu bang Victoria. Tuy nhiên phán quyết của tòa án tối cao thuộc tiểu bang Victoria sẽ có giá trị thuyết phục hơn so với bản án của tòa cấp thấp hơn thuộc tiểu bang Victoria đối với tòa án thuộc tiểu bang New South Wales khi đưa ra một bản án đối với một vụ án tương tự.

Nguyên tắc chỉ dựa vào cơ sở pháp lý

Chỉ có những quyết định của thẩm phán trước đó dựa trên phần chứng cứ pháp lý (Ratio decidendi) của vụ án thì mới có giá trị bắt buộc phải áp dụng để ra quyết định cho vụ án sau này. Trong một bản án theo truyền thống Thông luật luôn có hai phần, đó là phần Ratio decidendi và Obiter dictum.[30]

  • Ratio decidendi: Tiếng Latin có nghĩa là "Lý do để quyết định", là phần cơ sở pháp lý hay chứng cứ pháp lý của bản án. Đây là nhân tố bắt buộc bất kỳ trong quá trình suy luận dẫn tới quyết định của tòa án. Là nhân tố quan trọng nhất và là yếu tố bắt buộc của mỗi phán quyết. Ratio decidendi sẽ tạo nên quy tắc được đưa vào thành phần của pháp luật Anh. Nó cũng là phần chứa đựng các quy phạm pháp luật trong hệ thống Anh. Vì thế phần này có vai trò vô cùng quan trọng là nguồn trực tiếp của pháp luật Anh.
Với ý nghĩa như vậy cho nên đây luôn là phần bắt buộc phải có trong mỗi án lệ, khi xem xét tính chất tương tự của vụ việc thẩm phán bắt buộc phải đối chiếu với những tình tiết trong phần này trong những quyết định trước đây.

Nguyên tắc tham khảo đối với phần bình luận

Những nhận định hoặc quyết định của tòa án trước đó đối với một vụ án không dựa trên cơ sở pháp lý mà chỉ dựa trên cơ sở bình luận của thẩm phán (Obiter dictum) sẽ không có giá trị bắt buộc tòa án cấp dưới phải tuân thủ.

Tuy nhiên, những nhận định và phán quyết đó có thể được tòa án sau này xem xét, cân nhắc và thậm chí có thể áp dụng trong việc ra quyết định.

  • Obiter dictum: Tiếng La Tin có nghĩa là "Một lời nhận xét ngẫu nhiên", đây là phần bình luận của thẩm phán trong bản án. Nó chính là lời nhận xét, bình luận, ý kiến phụ của thẩm phán, không có giá trị bắt buộc, không mang nội dung trực tiếp của vụ tranh chấp, và không thể viện dẫn như một tiền lệ.
Vì vậy phần này chỉ là sự tuyên cáo, không chi phối đối với quyết định và vì thế không có tính bắt buộc đối với các vụ việc trong tương lai. Tuy nhiên, đôi khi nó có giá trị thuyết phục đáng kể do vị trí của tòa án và danh tiếng của vị thẩm phán đưa ra quyết định đó.[54]

Nguyên tắc hiệu lực bất kể thời gian

Yếu tố thời gian không thể làm mất đi tính hiệu lực của các tiền lệ. Theo nguyên tắc này, những phán quyết của các tòa án cách đây hàng trăm năm cũng vẫn có giá trị cho các thẩm phán sau này vận dụng để ra quyết định cho một vụ án tương tự; ở hệ thống thông luật, án lệ càng lâu càng có sức thuyết phục, và giá trị. Khác với hệ thống pháp luật châu Âu lục địa, án lệ càng mới càng có tác dụng giải thích cao hơn. Các vụ án nổi tiếng không những chỉ có giá trị lịch sử, các giải pháp của những bản án này còn để lại một giá trị thực tiễn.